Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế, ngân sách phải ‘gánh’ một phần ba

Báo cáo Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực thực hiện kế hoạch này trong giai đoạn 2016-2020 được huy động chung từ nền kinh tế, dự kiến khoảng 10,57 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 500 tỷ USD. Ông Dũng vừa có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh kế hoạch này.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết riêng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí được 2 triệu tỷ đồng, là một phần nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.


- Để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ dự định huy động nguồn lực như thế nào?
- Chúng tôi chưa xác định chính xác, chi tiết, nhưng dự kiến Nhà nước sẽ đảm nhận một phần ba, còn lại huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Nhìn chung, chúng ta sẽ cân đối để tái cơ cấu kinh tế từ nguồn lực chung của đất nước, không đặt nặng vấn đề ngân sách Nhà nước mà huy động từ xã hội, các thành phần kinh tế là chủ yếu. Nếu như chỉ đặt vấn đề ngân sách thì không có khả năng để làm.
10-trieu-ty-dong-tai-co-cau-kinh-te-ngan-sach-ganh-mot-phan-ba
Nguồn lực dự kiến để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới lên đến trên 10 triệu tỷ đồng.
- Thu ngân sách hằng năm hiện chưa đến 50 tỷ USD, quy mô GDP khoảng 200 tỷ USD. Ông nghĩ sao khi một phần ba con số 500 tỷ USD cũng là quá lớn so với những con số nêu trên?
- Tất cả nguồn lực sẽ được lồng ghép trong kế hoạch từ nay đến 2020. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới đã bố trí 2 triệu tỷ đồng, chính là một phần của 10 triệu tỷ đồng cho tái cơ cấu và đây cũng chính là nguồn lực của Nhà nước tham gia vào.
- Ngoài ngân sách thì các kênh tài chính khác dự kiến huy động hơn 6 triệu tỷ đồng, làm sao để “khơi thông” được nguồn lực nói trên?
- Có hai vấn đề. Thứ nhất là phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả. Thứ hai là niềm tin của người dân vào sự phát triển của đất nước, để người ta yên tâm đầu tư, làm ăn.
Việc các cấp, các ngành nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là để thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chính phủ trong thời gian gần đây đã rất quyết liệt ở lĩnh vực này, để làm sao Việt Nam ngày càng thân thiện và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
- Thực tế vừa qua có nhiều dự án trăm tỷ, nghìn tỷ lãng phí, trong khi nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế lại hạn chế. Làm sao giải quyết vấn đề này, thưa ông?
- Trung ương đã chỉ đạo và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang tiến hành xây dựng đề án thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp. Nghĩa là sẽ tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu, qua đó các quyết định đầu tư, việc quản lý dự án sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét